1
Làm thế nào để học nhanh và nhớ lâu hơn?
5
manhhung6780 đã đăng:

Mọi người ai có phương pháp hoặc kinh nghiệm học tập nào không những tiếp thu nhanh mà còn nhớ lâu không chia sẻ cho em với ạ?

thêm bình luận...
4
Như Ngọc40 đã đăng:

Một bài viết rất là hay của tác giả Nelson Wang, CEO của Habby.co, các bài viết của ông về phát triển bản thân được xuất bản trên các tạp chí lớn như Forbes, Fortune và một số bài trên blog của ông nếu bạn có thời gian thì có thể tìm đọc nhé. Ông đưa ra 10 lời khuyên làm thế nào để học nhanh hơn và nhớ lâu hơn, ông cũng trích dẫn rõ ràng các công trình nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho một số lời khuyên của mình , mình xin thuật lại 10 lời khuyên này nhé (mình có chỉnh sửa và một số chỗ viết theo kinh nghiệm của mình và đưa ra vài ví dụ, câu hỏi để bạn dễ hiểu hơn).

  1. Tiêu hóa thông tin bằng nhiều cách khác nhau: một nghiên cứu của Judy Willis vào năm 2008 đã chỉ ra rằng "Nếu bạn sử dụng nhiều vùng trong bộ não của mình để lưu trữ thông tin, thì sẽ càng có nhiều kết nối nơ-ron giữa chúng với nhau". Khi bạn giải quyết vấn đề cần sử dụng nguồn thông tin này, não bộ của bạn sẽ "thu gom" mỗi vùng nhớ một ít dữ liệu để trả lời cho câu hỏi bạn đang gặp phải. Sự trao đổi chéo liên tục trong bộ não mới là lúc bạn đã học chứ không phải cố gắng đọc thuộc rồi nhớ bài. Nếu bạn cố gắng đọc thuộc rồi nhớ bài, thời gian nhớ của bạn sẽ như hình bên dưới,

    Thời gian nhớ của bộ não

    Cho nên, giả sử bạn đang học nói tiếng Anh, bạn có thể kết hợp đồng thời nhiều phương pháp học khác nhau bao gồm hình ảnh, âm thanh, chữ viết để phân hóa bộ nhớ giúp bộ não học hiệu quả hơn như: sử dụng các thẻ học từ vựng, bài tập viết các đoạn văn ngắn, xem video trên youtube, luyện nghe, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ học tiếng Anh, thực hành với người khác, ..v.v tùy vào sự lựa chọn của bạn cho phù hợp.

  2. Giữ năng lượng cơ thể luôn ổn định: Ông nói rằng: "Vào mỗi sáng khoảng 6 đến 7 giờ, tôi thường luyện tập các bài tập rèn luyện nhịp tim bằng cách chạy bộ hoặc 50 phút cho các bài tập gym, khi tôi hoàn thành, tâm trí tôi luôn trở nên rõ ràng và nhạy bén". Tất nhiên rèn luyện thể dục chưa bao giờ là có hại cả. Một công trình nghiên cứu được xuất bản trên plosone đã chứng minh cho điều này bằng cách đưa ra một thí nghiệm với 81 người phụ nữ trẻ có tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, họ được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm. Mỗi nhóm đều mang tai nghe và nghe trong 30 phút về các danh từ tiếng Ba Lan, đối với mỗi từ Ba Lan sẽ có 1 từ dịch nghĩa tiếng Đức đi kèm. Điều khác biệt ở đây là một nhóm ngồi im lặng nghe trong 30 phút, còn nhóm khác nghe sau khi đã chạy xe đạp 30 phút. Bạn đoán xem nhóm nào sẽ học tốt hơn? Tất nhiên là nhóm thực hiện chạy xe đạp rồi. Bạn có thể đọc bài báo nghiên cứu ở đây.

  3. Học bằng cách thực hành: "Thực hành...Thực hành...Thực hành...", đó là chìa khóa lớn nhất để bạn trở thành bậc thầy về bất cứ thứ gì bạn muốn học trong cuộc đời của mình. Hãy thử suy ngẫm về một chút về sự đạt được một điều gì đó khiến bạn cảm thấy tự hào mà khi bắt đầu bạn chưa hề biết gì về ngoài cái tên của nó? Richard Branson là một ví dụ điển hình cho lời khuyên này. Ông không phải là một chuyên gia trong ngành công nghiệp hàng không từ khi ông bắt đầu, nhưng điều này không quan trọng, ông vẫn lao vào bằng mọi cách. Một câu chuyện ngắn từ Virgin.com (tập đoàn Virgin) về lý do tại sao Richard Branson lại muốn bước vào ngành công nghiệp này: "Richard Branson bị mắc kẹt ở Puerto Rico khi đang tới quần đảo British Virgin bởi vì họ không đủ số lượng khách cho phép để cất cánh, nên hãng hàng không đó đã hủy chuyến bay. Ông nói rằng:'Tôi có người vợ xinh đẹp đang chờ tôi ở bên kia quần đảo British Virgin. Điều đó đã khiến tôi thuê một chiếc máy bay, mượn một cái bảng đen và cứ như một trò hề, tôi ghi tên hãng hàng không Virgin Airlines trên tấm bảng này, và chỉ với 39$ bạn có thể tới được quần đảo British Virgin. Khi tôi ra ngoài đưa tấm bảng lên, tất cả mọi người đã lao vào và đó là chuyến bay đầu tiên của tôi với đầy hành khách' ". Bây giờ thì sao? Virgin Airlines trở thành một trong những hãng hàng không đứng top thế giới.

  4. Chỉ nên tập trung vào một bài tập trong cùng một thời gian: Nghiên cứu của trường đại học Stanford đã chỉ ra rằng trong cùng một thời gian nếu bạn tập trung vào giải quyết 1 bài tập sẽ hiệu quả hơn rất nhiều thay vì nhiều bài tập. Travis Bradberry đã viết rằng "Những người thường hay thực hiện nhiều công việc khác nhau trong cùng một thời gian thường đạt hiệu năng rất thấp bởi vì bộ não họ sẽ sẽ bị phân hóa suy nghĩ và đưa ra những thông tin hỗn độn, ít liên quan tới từng vấn đề cụ thể, do đó thời gian hoàn thành một công việc là rất chậm. Thực hiện nhiều công việc cùng một lúc làm giảm tính hiệu quả và hiệu suất của bạn bởi vì não bộ của bạn chỉ có thể tập trung một thứ tại một thời điểm nhất định. Khi bạn cố thực hiện điều đó, bộ não của bạn sẽ thiếu khả năng thực hiện cả hai công việc một cách thành công nhất nhất". Hãy tập trung!!!

    Bạn nhớ lại xem, có lúc nào bạn vừa đi ngoài đường vừa bấm điện thoại chưa? Khi đó não bộ của bạn chỉ có thể tập trung vào việc bấm điện thoại, đôi lúc bạn sẽ vấp ngã vì không để ý đằng trước, mình cũng không ngoại lệ.

  5. Luôn luôn kiểm tra bản thân bạn: Mình cũng giống với các bạn, khi đi học chúng ta luôn luôn "bị" kiểm tra, nào là 15 phút, 45 phút,..v.v, qua mỗi bài kiểm tra bạn cảm thấy mình đã làm được chưa, mình đã thật sự hiểu kiến thức này chưa? Đó là một vấn đề nhỏ trong học tập. Một ví dụ rộng hơn mà chắc chắn mỗi bạn ít hay nhiều sẽ phải gặp trong cuộc đời mình đó là phỏng vấn. Giả sử có trường hợp như vậy, bạn đã giành bao nhiêu phút để luyện tập với chính mình hoặc một người khác cho đến khi bạn có thể nói một cách mạch lạc, rõ ràng, hoặc đối đầu với những câu hỏi hại não của nhà tuyển dụng. Kiểm tra bản thân bạn thường xuyên về một vấn đề, một công thức, một bài toán nào đó sẽ giúp bạn thật sự hiểu nó một cách tường tận.

  6. Cởi mở với bản thân bạn: Một sự thật khá thú vị đó là viết ra những sợ hãi và lo lắng trong bản thân bạn trước khi làm một việc gì đó giúp bạn đạt được "điểm số" của mình. Theo Scientific American, các nhà tâm lý học tại trường Đại học Chicago phát hiện ra rằng những sinh viên viết ra cảm xúc và suy nghĩ của mình về bài kiểm tra toán trước khi bắt đầu đã giải quyết được nhiều hơn các bài toán so với những sinh viên ngồi im chờ đến làm bài. Tác giả nói rằng đó là kĩ thuật có thể sẽ hữu ích cho những học sinh, sinh viên hay có thói quen lo lắng trong những tình huống áp lực cao.

    Bởi vậy, nếu như mai bạn có một kỳ thi quan trọng nào đó thì hôm nay bạn cũng đừng lo lắng và sợ hãi nhé. Lo lắng và sợ hãi không giúp bạn học được nhiều hơn ngược lại còn kiềm chế khả năng nhớ của não, vì vậy hãy mở lòng với bản thân, bạn sẽ tìm được khoảng tự do riêng của mình.

  7. Khích lệ bản thân bằng phần thưởng: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khen thưởng bản thân bạn sau khi hoàn thành một công việc nào đó giúp tăng khả năng hình thành các hình thái bộ nhớ của não, giải phóng Dopamine.

    Ví dụ: Sau khi hoàn thành một bài tập, đọc một chương sách, hoàn thành một công việc khó,... bạn hãy tự thưởng bản thân mình bằng cách mua cho nó một ly trà sữa, cho nó xem một ít chương trình mà nó yêu thích hay đơn giản là nói với nó rằng: "Giỏi lắm", ... . Đôi lúc bạn sẽ nổi da gà vì tự nói với chính mình như thế đấy, nhưng hãy thử xem, cảm nhận cảm giác của bạn.

  8. Đừng bao giờ nhồi nhéc kiến thức vào đầu bạn: Có bao giờ bạn đã nhồi nhéc rất nhiều kiến thức vào trong đầu mình để chuẩn bị cho một bài kiểm tra sắp tới chưa? Rồi sau đó, khoảng 3 ngày sau đến 1 tuần chắc hẳn bạn đã quên 99.9% những gì mình đã học? Mình cũng đã như vậy rất nhiều, đặc biệt trong các môn học như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ..v.v. Nhưng điều này không có ích cho bạn trong con đường học tập lâu dài. Một nghiên cứu được hoàn thành bởi Nicholas Cepeda chỉ ra rằng ôn lại kiến thức theo sau mỗi một giai đoạn cụ thể (bạn có thể tự đặt cho mình) là phương pháp tốt nhất để ghi nhớ kiến thức lâu dài thay vì nhồi nhéc nhé.

  9. Làm ơn hãy ngủ đủ giấc: Mình thừa nhận bạn làm việc chăm chỉ, nhưng đừng bao giờ đánh đổi giấc ngủ của bạn, nghiên cứu về sự quan trọng của giấc ngủ thì có vô vàn rồi bạn có thể tìm đọc. Mình để vào đây một bài báo nghiên cứu với tựa đề "Ngủ để nhớ" - Sleep to remember bạn có thể tìm đọc. Giấc ngủ giúp bạn giải phóng các chất độc tích tụ trong não sau cả ngày bạn làm việc, phục hồi năng lượng, tổ chức sắp xếp lại các vùng nhớ.

    Hãy thử nhớ lại xem cảm giác của bạn thế nào sau một giấc ngủ "như chết" mà bạn đã từng có? Và mình tin rằng chúng ta còn trẻ việc có một giấc ngủ ngon không ngoài quá sức tưởng tượng của bạn đúng không nào?

  10. Đừng học cho tới khi bạn mệt rã rời: Thật khó để có thể học tập một cách xuyên suốt cả ngày đêm đúng không nào? Bạn phải giành thời gian thư giãn 5 phút sau mỗi 30 phút học tập, cái này mình ví dụ thôi, tùy thuộc vào bản thân bạn cảm thấy phù hợp mà đề ra thời gian nghỉ ngơi từng chặn hợp lí nhất cho mình. Bài báo này sẽ giúp bạn hiểu tại sao phải làm như vậy nhé?

Cuối cùng, mình không nhớ là đọc được câu này ở đâu nhưng trong lúc viết bài này mình chợt nhớ lại xin tặng bạn: học không phải là một cuộc chạy đua nước rút, mà là một cuộc hành trình chạy marathon.

thêm bình luận...
Bạn đang thắc mắc? Ghi câu hỏi của bạn và đăng ở chế độ cộng đồng (?)