2
Sự lựa chọn của bạn nếu bạn là nhân vật trong bộ phim Train To Busan?
2
vicent820 đã đăng:

Chào các bạn,

Hôm nay mình muốn thảo luận về một bộ phim đó là 'Train To Busan' (Chuyến tàu sinh tử) chắc hẳn rất nhiều người trong các bạn đã xem bộ phim này, mình chỉ lấy một đoạn trong phim về cảnh những người đã chiến đấu khi đi từ toa tàu số 9 qua toa tàu số 15 khi mà chỉ cần cánh cửa ấy mở ra thì đã không hi sinh tính mạng của hai người khác.

Có 2 luận điểm như thế này:

  1. Người buộc tội cho rằng "những người trên toa tàu số 15 đã cướp đi quyền sống của người khác''.
  2. Người bào chữa cho rằng ''những người trên toa tàu số 15 vô tội vì họ đã lựa chọn để nhiều người được sống hơn khi không chắc rằng những người ngoài kia có thể đã bị lây bệnh".

Nếu là bạn, bạn ủng hộ nhóm người nào?

thêm bình luận...
1
trungkfc02570 đã đăng:

Bạn làm mình liên tưởng đến khóa học Justice: What's The Right Thing To Do? (của giáo sư Michael Sandel - Harvard) quá. Tình huống cũng tương tự như của bạn vậy.

Tình huống 1:

Nếu bạn là một tài xế lái xe, xe bị mất thắng trên đường và phía trước bạn là 5 công nhân đang làm việc, lúc đó bạn chỉ có hai lựa chọn:

  • Một là để xe chạy thẳng và tông vào 5 người công nhân đó, chắc chắn họ sẽ chết.
  • Hai là bên phải có 1 công nhân đang đứng, nếu bạn quay xe sang bên phải thì chỉ có 1 người chết, lúc đó thay vì giết 5 mạng người kia, bạn chỉ giết có một.

Và tất nhiên người công nhân đang đứng bên phải vô tội, không hề liên quan gì đến con đường bạn đang đi, bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

Thì đa số sinh viên sẽ chọn là thà tông chết 1 người còn hơn tông chết 5 người kia.

Tình huống 2:

Tương tự, nhưng trong trường hợp này bạn là người đứng bên lề đường, bạn nhìn thấy một xe đang mất thắng trên đường, và phía trước nó là 5 người công nhân đang làm việc, nhưng trước mặt bạn có một anh béo, bạn có hai lựa chọn:

  • Một là tự tay đẩy anh béo ra ngoài đường và anh béo bị xe cán chết, đổi lại 5 mạng sống kia.
  • Hai là không làm gì cả và nhìn xe cán chết 5 công nhân kia

Bạn sẽ làm gì trong hai trường hợp này?

Thì đa số sinh viên sẽ chọn không làm gì và nhìn 5 công nhân kia die.

Rõ ràng là có sự mâu thuẫn rất lớn ở đây, và câu hỏi là tại sao? Cho nên câu hỏi của bạn tưởng chừng như điện ảnh giải trí đơn giản nhưng thật ra không đơn giản chút nào, nếu phân tích vấn đề này ra sẽ còn nhiều điều thần bí ở đây.


Câu hỏi của bạn sẽ không có câu trả lời đúng hoặc sai nên mình cố gắng đưa ra nhiều luận điểm nhất có thể, một số luận điểm dựa trên lý thuyết triết học, một số mình tổng hợp được và một số từ khóa quan trọng mình ghi tiếng Anh in nghiêng để bạn có thể tìm hiểu thêm khi cần thiết, có thể một số bạn đã biết nhưng nếu một phần nhỏ nào đó bạn chưa tìm hiểu thì hy vọng sẽ giúp bạn có nhiều thông tin hơn.

Có thể nói lựa chọn đầu tiên (lựa chọn của người buộc tội) là một thể hiện của đạo đức học theo thuyết chủ nghĩa hệ quả (Consequentialism), thuyết chủ nghĩa hệ quả cho rằng:

Một hành động được xem là đúng khi nó tạo ra kết quả tốt.

Nếu dựa vào thuyết này, việc những người trên toa tòa số 15 không mở cánh cửa đã tạo ra kết quả là chết hai mạng người, đó là một kết quả xấu, do đó, những người này đáng bị buộc tội.

Trong khi đó, lựa chọn của người bào chữa cũng là một thể hiện của đạo đức học nhưng theo thuyết chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism), thuyết chủ nghĩa vị lợi cho rằng:

Một hành động được xem là đúng khi nó tối ưu hóa độ thỏa dụng một cách cao nhất có thể. Độ thỏa dụng ở đây có thể được hiểu là hạnh phúc hoặc phúc lợi, độ thỏa dụng sẽ được tính bằng tổng của tất cả sự hài lòng trừ đi sự đau khổ của bất cứ người nào có trong tình huống đó.

Sự hài lòng ở đây được tính kể cả những người không tham gia vào tình huống đang xảy ra bao gồm gia đình, người thân, ...v.v.

Nếu dựa vào thuyết này, việc làm của những người trên toa tòa số 15 là hoàn toàn đúng đắn, việc hi sinh hai mạng người để bảo đảm tính mạng cho nhiều người bên trong đã tối ưu hóa độ thỏa dụng một cách cao nhất có thể.

Sự khác nhau về trực tiếp tham gia và không trực tiếp tham gia

  • Trực tiếp tham gia tức là người đó trực tiếp tạo ra tình huống.
  • Không trực tiếp tham gia tức là người đó bị lôi kéo vào tình huống đang xảy ra một cách không mong muốn.

Trong trường hợp của bạn, có thể bên bào chữa sẽ có một chút lợi thế bởi vì tất cả những người trên toa tàu 15 và hai người ở ngoài đều bị lôi kéo vào tình huống không mong muốn, bản thân những người trên toa tàu 15 không tạo ra tình huống gây nguy hiểm cho người khác và cũng không trực tiếp giết chết hai người bên ngoài kia. Không những thế, trong trường hợp cụ thể này, quyền được bảo vệ bản thân ở hai bên cánh cửa là như nhau, nếu hai người bên ngoài muốn được sống thì những người bên trong cũng muốn được sống, việc mở cửa cho những người bên ngoài có thể đe dọa tính mạng của họ.

Không trực tiếp tham gia tình huống có thể được chi làm hai trường hợp:

  • Trường hợp người bị lôi kéo vào tình huống cũng bị nguy hiểm tính mạng nếu giúp đỡ người khác (tương tự như quan điểm mình vừa nói ở bên bào chữa ở trên).
  • Trường hợp người bị lôi kéo vào tình huống nhưng không bị nguy hiểm tính mạng nếu giúp đỡ người khác.

Ví dụ trường hợp thứ hai, bộ luật Việt Nam ban hành luật phạt tội hình sự hoặc hành chính đối với những người gặp người khác bị tai nạn như tai nạn giao thông, bệnh tật, ...v.v. trong khi bản thân có điều kiện cứu hoặc đưa người đó đi cấp cứu mà cố tình không làm. Trường hợp này mình không biết họ dựa trên thuyết nào để ban hành nhưng mình nghĩ nó là ví dụ khá sát với ý mình đưa ra.

Không trực tiếp tham gia nhưng trực tiếp hoặc đồng phạm giết người khác

Vụ án nổi tiếng xảy ra vào thế kỷ 19 (Dudley and Stephens) nói về vụ đắm tàu xảy ra ở phía nam Đại Tây Dương, 4 người sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ bao gồm thuyền trưởng Dudley, Stephens, thủy thủ Brooks và cậu nhóc 17 tuổi Parker. Bỏ qua những ngày đầu tiên, cho đến ngày thứ 20 lênh đênh không có thức ăn và nước uống, thuyền trưởng Dudley bàn với Stephens và Brooks cậu nhóc nên bị giết để đổi lại sự sống sót cho 3 mạng người.

Họ được một thuyền người Đức cứu và đưa về nước Anh sau 3 ngày, sau đó bị khởi tố vì tội giết người, cuối cùng bị xử chết.

Một số ý kiến bàn luận,

  • Sinh viên bào chữa:
    • 19 ngày không có thức ăn, con người bắt buộc phải làm việc họ cần phải làm để tồn tại, họ là những nhân vật có tiếng, có thể sau khi trở về nhà họ sẽ trở thành những người từ thiện đóng góp cho cộng đồng.
    • Parker không có gia đình, người thân, trong khi ba người còn lại có gia đình, con, ... đang chờ ở nhà, theo thuyết chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham, đó là một việc đúng đắn.
  • Sinh viên buộc tội:
    • Con người cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể tự cho mình cái quyền cướp đi niềm tin hoặc sinh mạng của người khác.
    • Nếu Parker đồng ý trở thành người hi sinh vì nghĩa, thì tình huống sẽ khác đi, Parker sẽ được mọi người khâm phục và những thủy thủ còn lại sẽ thoát tội, nhưng không, Parker bị giết mà không cần hỏi ý kiến.
    • Cho dù Parker có đồng ý đi chăng nữa, kẻ giết người thì vẫn là kẻ giết người, con người vẫn không nên hãm hại đồng loại của mình vì bất cứ lý do gì.

Một số tài liệu tham khảo bạn có thể xem:

đã bổ sung 5.9 năm trước bởi
Avatar: trungkfc02 trungkfc02570
1

@trungkfc02 mình thấy bạn khá giống một người thông thái, bạn viết bài rất có cấu trúc, rõ ràng, trình bày rất đẹp nha... mình cũng rất muốn viết được một bài hoàn chỉnh như bạn nhưng sao thấy khó quá... cho mình xin bí quyết với. Bài viết của mình là đề tài của một cuộc tranh biện sẽ chẳng xác định được ai đúng ai sai trong trường hợp này, đa phần chúng ta sẽ thiên về đa số và số ít phản đối là một khía cạnh khác, bạn chẳng trách móc được ai trong tình huống này, mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau từ cách mà họ đặt mình vào vấn đề ấy. Khi mình đứng ở góc độ người xem cảm thấy con người thật ích kỉ và giá lạnh nhưng nếu đối diện với vấn đề chắc mình sẽ hoảng loạn và cũng sẽ lựa chọn như thế... mình viết bài này mong khai thác nhiều vấn đề, nhiều góc nhìn của các bạn để thêm cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề pháp luật nên hi sinh một phần nhỏ để bảo vệ một phần lớn hơn hay không?

vicent 16.05.2018

Hình như bạn học bên Luật thì phải @vicent, mình thấy trên diễn đàn có bài hướng dẫn cách soạn thảo văn bản, mình dựa theo để trình bày thôi ạ, bạn có thể tham khảo đây nè,

Mấy cái chức năng soạn thảo như in đậm, xuống dòng, ... bạn sử dụng vài lần sẽ quen thôi @vicent, còn chủ đề của bạn cũng khá thú vị, đặc biệt ở câu cuối của bạn "hi sinh một phần nhỏ để bảo vệ một phần lớn hơn" có rất nhiều chuyện để bàn, đề tài của bạn nếu mà nghiên cứu nghiêm túc thì cũng mất cả khối năm á, khóa học mình nói với bạn mình chỉ xem được một ít nên chưa có quan điểm gì nhiều, mình sẽ xem thêm, nếu ngộ ra điều gì đó mình sẽ cập nhật lại bài viết nhé.

trungkfc02 16.05.2018

rất cảm ơn sự hướng dẫn của bạn ,à và mình học luật nên thầy đưa ra các vấn đề để mình có cái nhìn đa chiều và đặt mình vào hoàn cảnh thân chủ của mình sau này nên nếu bn có thêm ý kiến hãy chia sẻ thêm cho mình....rất vui được biết bạn

vicent 17.05.2018

Mình đã cập nhật lại bài viết, hy vọng không quá muộn và giúp bạn thêm ít thông tin @vicent.

trungkfc02 23.05.2018

oh, cho mình hỏi 1 câu nhé rằng bạn học ngành gì vậy, bạn có cái nhìn rất khách quan và toàn diện đó, ví dụ thực tế và rất lí thú... cám ơn bạn vì những cập nhật mới nha.

vicent 24.05.2018

à, không biết bạn có hứng thú nghiên cứu vấn đề này không nhưng mình muốn thêm một số ý kiến của mình để tham khảo. Cuộc đời là những cuộc lựa chọn và mỗi chúng ta khi lựa chọn sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố nhất là khi thời gian lựa chọn rất ngắn trong tình huống căng thẳng và hoảng sợ tột độ nên những quyết định đó không hẳn là đúng đắn nhưng nó an toàn nhất với họ lúc đó. Nói chung con người rất ích kỉ họ có thể đánh đổi nhiều điều vì họ, người thân của họ, nhưng là một người xa lạ rất ít người sẽ đặt mình vào cảnh nguy hiểm, ngoài ra yếu tố số đông giúp họ càng chắc chắn mình lựa chọn đúng, trong các tình huống như vậy thứ mà chúng ta cần là năng lực, thực lực và quyền lực, nếu bạn có năng lực sẽ tìm được cách giải quyết và nếu bạn có thực lực thì chẳng ai làm gì được bạn (nếu Parker có thực lực cậu bé sẽ thoát khỏi cảnh bị giết cậu có thể chạy trốn và không rơi vào tình cảnh chết rất oan ức, những người muốn giết cậu và bị cậu giết lại có thể được tính là hành vi phòng vệ chính đáng) và cuối cùng là quyền lực. Tại sao người bị giết là Parker? Vì cậu bé không có tiếng nói, không được quyền quyết định khi trong cả đội ngũ cậu là người vô dụng nhất, khi chúng ta rơi vào tình trạng mà pháp luật, đạo đức đã không còn trói buộc con người thì mọi thứ được xác định vào những cái đại biểu cho sự đứng đầu để cân đo đong đếm.

vicent 24.05.2018

Mình học khoa học máy tính @vicent, ngành mình cũng cần nhiều lí luận triết học như ngành của bạn vậy, nên những câu hỏi dạng này mình cũng rất thích. Hình như quan điểm bạn bổ sung thiên về tâm lý con người nhiều hơn, nếu như trên quan điểm pháp luật ở vị trí trung gian phán xét và bạn với vai trò là luật sư được lựa chọn, bạn sẽ muốn chọn khởi tố hay bào chữa nhiều hơn.

trungkfc02 24.05.2018
1

mình lựa chọn khởi tố nha bn....nhưng thầy mk bảo tỷ lệ thắng rất nhỏ

vicent 25.05.2018
thêm bình luận...
1
Vũ Nam Phong580 đã đăng:

Mình không thông thái nên xin phép chỉ giải quyết tình huống này.

Thứ nhất, những người trên toa tàu 15 không phải chưa từng nhìn thấy zombie mà họ cũng đã thấy trước đó và quan sát, nên có lẽ có người phát hiện ra được đặc tính của người bị zombie cắn là sẽ hoảng hốt một chút, trong một vài phút hành động sẽ chậm lại và có phản ứng lờ đờ khác thường rồi mới chuyển hẳn qua trạng thái zombie.

Thứ hai, nếu những người đó ở trong trạng thái đã nhiễm bệnh thì không có lý do và không cần đấu tranh để qua toa số 15. Hoàn cảnh lúc ấy là bệnh vừa mới bùng phát, lây lan tốc độ và không có thuốc chữa. Họ đã nhiễm bệnh thì biết rằng qua hay không qua mạng sống mình cũng không thể cứu vãn, cho nên đấu tranh như vậy tức là chưa nhiễm bệnh, vẫn cứu được.

Trong trường hợp này, mình không dám chọn phương án nào hẳn, vì trong số đó có những người biết và không biết. Nhưng mình sẽ trách những người biết rằng họ đã im lặng và gián tiếp cướp đi mạng sống của người khác.

Có người cũng nói giống bạn vậy và mình cũng từng nhìn nhận như vậy và thầy mình đã nói rằng chẳng thể kết luận ai sai ai đúng khi mà mình không nằm trong trường hợp đó, bạn có suy nghĩ như thế vì bạn đang đứng ở góc độ người xem phim mà không là chính những con người may mắn sống sót khi phải đưa ra 1 lựa chọn khó khăn trong 1 tình huống căng thẳng.

vicent 28.06.2018

Vũ Nam Phong dạo này ít lên z, mình rất muốn có người góp ý cho những bài viết của mình, mong bạn sẽ sớm quay lại và cùng bình luận đề tài mới với mình nha... ^^

vicent 07.08.2018
thêm bình luận...
Bạn đang thắc mắc? Ghi câu hỏi của bạn và đăng ở chế độ cộng đồng (?)